Trách nhiệm thẩm định (Due Diligence) là các hoạt động mà các doanh nghiệp áp dụng nhằm xác định, ngăn ngừa, giảm thiểu và giải quyết các tác động tiêu cực đến quyền lợi của công nhân viên, đời sống người dân, môi trường và xã hội phát sinh trong toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh, thu hồi và xử lý sản phẩm của doanh nghiệp.
Trong nhiều năm qua, vai trò của các doanh nghiệp và các cơ quan nhà nước trong việc quản lý những tác động tiêu cực của phát triển kinh tế đến môi trường và xã hội là chủ đề nhận được nhiều sự quan tâm của các nhà hoạch định chính sách và các tổ chức quốc tế. Các hoạt động kinh doanh, bất kể diễn ra ở đâu, đều có thể ảnh hưởng đáng kể đến đời sống con người và môi trường.
Từ những năm 2000, thẩm định trách nhiệm xã hội (HRDD) ngày càng được quan tâm, đáp ứng những lo ngại gia tăng trong xã hội về tác động đến con người từ hoạt động sản xuất kinh doanh.
Trách nhiệm thẩm định đã được củng cố trong nhiều văn bản quốc tế, trong đó có Nguyên tắc Hướng dẫn của Liên Hợp Quốc về Kinh doanh có trách nhiệm (UNGP) năm 2011 và Tuyên bố Ba bên của ILO về các Nguyên tắc liên quan đến doanh nghiệp đa quốc gia và chính sách xã hội (MNE) của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), trong đó nêu rõ trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc xác định, ngăn ngừa và giải quyết các rủi ro liên quan đến xã hội và môi trường..
Hiện nay, trách nhiệm thẩm định đang dần được luật hóa tại các quốc gia, khi các chính phủ tìm cách tăng cường trách nhiệm giải trình và sự minh bạch của các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong tháng 4/2024, Nghị viện châu Âu đã thông qua 3 quy định mới về kinh doanh có trách nhiệm. trong đó có Chỉ thị về Thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp (CSDDD). Chỉ thị này sẽ được nội luật hóa bới 27 quốc gia thành viên EU.
Trách nhiệm thẩm định hiện được công nhận là một công cụ quan trọng trong quản lý rủi ro, giúp các doanh nghiệp xác định và giải quyết các tác động tiêu cực tiềm ẩn khi vẫn còn khả năng kiểm soát.
Trong thời đại kỹ thuật số, tính minh bạch và khả năng tiếp cận thông tin đã làm tăng sự giám sát đối với hoạt động kinh doanh, đặc biệt là các tác động có hại. Khi thương mại và đầu tư toàn cầu mở rộng, và các chuỗi cung ứng của các công ty trở nên dài và phức tạp hơn, tầm quan trọng của việc thẩm định ngày càng tăng. Ngoài việc tuân thủ luật pháp địa phương, các công ty phải đảm bảo tôn trọng các tiêu chuẩn nhằm đảm bảo tối thiểu tác động đến xã hội và môi trường trên các khu vực lãnh thổ khác nhau.
Ngoài ra, ngày càng nhiều các cơ quan quản lý yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện thẩm định trước khi đầu tư hoặc thực hiện các giao dịch quan trọng. Khi trách nhiệm thẩm định trở thành một nhiệm vụ bắt buộc, các tác động đến con người và xã hội trong chuỗi cung ứng có thể sẽ giảm bớt, trong khi đó, thông tin về hoạt động kinh doanh của các công ty, tập đoàn cũng sẽ trở nên minh bạch hơn đối với thị trường, các cơ quan quản lý và người tiêu dùng. Đồng thời, người tiêu dùng sẽ có thể đưa ra các quyết định mua sắm có đạo đức hơn. Các công ty cam kết bảo vệ quyền con người có thể nhận được nhiều niềm tin từ khách hàng hơn và mở rộng thị trường.
Tổng hợp từ các nguồn: Asia Garment Hub, OECD