Tham dự cuộc họp có sự tham dự của Bà Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI, ông Nguyễn Hoài Nam – Phó Tổng thư ký VASEP, khoảng 50 đại diện là 50 đại biểu từ các DN thủy sản (giám đốc, quản lý từ các bộ phận HR, CSR, tuân thủ, ATVSLĐ…)
Bà Trần Thị Hồng Liên, Phó Giám đốc Văn phòng Giới sử dụng lao động, VCCI phát biểu khai mạc. Theo đố, Chính phủ Việt Nam đã ký kết 15 hiệp định thương mại tự do với các quốc gia và vùng lãnh thổ. Để nắm bắt được cơ hội thị trường từ các hiệp định này, các doanh nghiệp cần phải hiểu và tuân thủ các cam kết và yêu cầu của thị trường các nước đối tác. Bên cạnh những yêu cầu về năng suất và chất lượng, các đối tác nước ngoài đang ngày càng có xu hướng đặt ra thêm những yêu cầu liên quan đến xã hội, môi trường trong quá trình lựa chọn nhà cung cấp. Xu hướng này đang được đẩy mạnh bởi các quy định về trách nhiệm thẩm định liên quan đến phát triển bền vững đã được ban hành ở một số quốc gia phát triển. Những quy định này yêu cầu các doanh nghiệp phải đánh giá và giảm thiểu rủi ro vi phạm các tiêu chuẩn về lao động và môi trường trên toàn chuỗi cung ứng.
Mặc dù không chịu sự điều chỉnh trực tiếp của những quy định nêu trên, các doanh nghiệp Việt Nam vẫn chịu tác động khi tham gia chuỗi cung ứng của các công ty nước ngoài thuộc đối tượng điều chỉnh của luật. Việc sớm nắm bắt những yêu cầu của các khách hàng (tiềm năng) sẽ giúp các doanh nghiệp trong nước chuẩn bị sẵn sàng hệ thống giám sát nội bộ hiệu quả, đảm bảo các tiêu chuẩn về lao động và môi trường trong hoạt động sản xuất kinh doanh của mình. Là một trong top 5 thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất Việt Nam, việc nâng cao khả năng đáp ứng các quy định và tiêu chuẩn quốc tế của Liên minh châu Âu (EU) đối với xuất khẩu hàng thủy sản của Việt Nam để giúp mặt hàng này nâng cao năng lực cạnh tranh, thâm nhập mạnh vào thị trường EU là vấn đề cần thiết đối với ngành hàng này. Đây cũng là ngành ảnh hưởng trực tiếp khi Đạo luật mới của Đức về Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong Chuỗi cung ứng và Dự thảo Chỉ thị của Liên minh Châu Âu về thẩm định tính bền vững của doanh nghiệp được thông qua và có hiệu lực.
Tiếp theo bà Trần Thị Hồng Liên trao đổi với các doanh nghiệp 1 số thông tin về trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng bao gồm sự khác biệt với các yêu cầu về thực hiện trách nhiệm xã hội khác và một số quy định pháp luật tại các nước khác áp dụng cho các công ty trong chuỗi cung ứng và tổng quan các quy định của Việt Nam về lao động, xã hội và môi trường mà các doanh nghiệp phải tuân thủ theo các cam kết quốc tế quy định của pháp luật Việt Nam và Bộ quy tắc ứng xử của Nhãn hàng.
Với vai trò đại diện tổ chức người sử dụng lao động, VCCI thành lập Bộ phận hỗ trợ kinh doanh có trách nhiệm (Responsible Business Helpdesk), với sự hỗ trợ về kỹ thuật và tài chính từ chính phủ Đức, sẽ trợ giúp cung cấp thông tin, nâng cao nhận thức và tư vấn cho các doanh nghiệp tại Việt Nam về các tiêu chuẩn và yêu cầu thẩm định cũng như kết nối các chuyên gia, đơn vị cung cấp dịch vụ tư vấn trong nước.
Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP có chia sẻ về sự chuẩn bị của doanh nghiệp thủy sản đối với trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng. Ngành thủy sản là ngành nghề kinh doanh có điều kiện: tuân thủ các quy định pháp luật Việt Nam, có các nhà mua hàng luôn yêu cầu các chứng nhận kèm theo được thể hiện như trong Luật của Đức hay các quốc gia khác. Các Doanh nghiệp khi xuất sang thị trường nước ngoài đã thực hiện theo các tiêu chuẩn như GlobalGAP, chứng nhận BAP, ACC, các tiêu chuẩn về trách nhiệm xã hội, các quy định về môi trường, quản lý hóa chất… Trong ít nhất 10-15 năm qua, số đông Doanh nghiệp thủy sản Việt Nam đã chuẩn bị rất kỹ càng những vẫn cần tìm hiểu thêm luật về trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng, khi đã đưa vào luật thì đều sẽ có những ảnh hưởng nhất định, và người mua sẽ sử dụng để áp các quy định vào Doanh nghiệp Việt Nam. Hi vọng sự chuẩn bị của doanh nghiệp thủy sản trong những năm qua sẽ tạo tiền đề tốt cho sự tham gia vào chuỗi cung ứng của Châu Âu.
Kết thúc cuộc họp, các doanh nghiệp đánh giá cao sự kịp thời cung cấp thông tin của VCCI, VASEP và có một số các yêu cầu để làm rõ, đào tạo thêm về vấn đề trách nhiệm thẩm định trong chuỗi cung ứng như xác định rủi ro, quy trình thẩm định, tuân thủ các quy định về lao động, xã hội, môi trường…